Trường trung học cơ sở
NGUYỄN TRÃI

Thực hiện Chương trình GDPT mới: Giáo viên đối diện khó khăn nào?

Chủ động trong chọn SGK mới

Theo thầy Lê Đình Phong, thời điểm này từ lãnh đạo nhà trường đến GV đều tập trung thực hiện chủ trương lựa chọn SGK lớp 1 mới theo định hướng: Nghiên cứu kỹ các Thông tư hướng dẫn, phổ biến cụ thể các quy định tới GV; Tiến hành đọc kỹ nội dung từng cuốn và các bản thuyết minh.

Thầy Phong cho rằng, nên lựa chọn sách phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương, điều kiện dạy và học của nhà trường và đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ. “Ý kiến GV rất quan trọng trong chọn SGK. Đa số GV cho rằng lựa chọn SGK là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự thận trọng, tập trung cao độ mới đảm bảo yêu cầu.

Thời gian để đọc nghiên cứu lựa chọn sách ngắn cũng là áp lực lớn đối với nhiều GV. Tuy nhiên, ban giám hiệu cố gắng có các bước chuẩn bị điều kiện như nắm bắt kỹ các văn bản và nghiên cứu 32 cuốn sách đã được Bộ phê duyệt, để khi có tiêu chí lựa chọn SGK của tỉnh, trường tổ chức lựa chọn đảm bảo đúng chỉ đạo” - thầy Phong nhìn từ thực tế của trường mình.

 Nhà trường sẽ tổ chức lựa chọn SGK đúng, đủ quy trình, chặt chẽ và độc lập. Nâng cao tình thần trách nhiệm, tích cực, chủ động của các thành viên hội đồng lựa chọn. Chủ động xây dựng lịch trình lựa chọn SGK lớp 1, để tiến hành kịp thời, đầy đủ. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch công tác tháng 3 - 4/2020 của trường. Tranh thủ tham gia, đồng thuận của phụ huynh HS trong việc lựa chọn SGK.  

Thầy Nguyễn Văn Khôi 

Còn thầy Nguyễn Văn Khôi (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang) cho biết: “Ngay khi có bộ SGK 32 cuốn do các NXB cung cấp, nhà trường yêu cầu toàn thể CBQL, GV đọc tất cả các cuốn sách. Phân công các tổ chuyên môn nghiên cứu riêng và thảo luận trong tổ sau đó đưa ra trình bày ý kiến nhận xét về từng bộ SGK của các tổ trước toàn trường...”.

Cũng theo thầy Khôi, vì thời gian triển khai lựa chọn SGK mới khá gấp, lại trùng thời điểm có dịch bệnh phức tạp, hiệu trưởng đã lưu ý một số điểm như: Chỉ đạo GV tranh thủ thời gian HS nghỉ học, các ngày nghỉ để tự nghiên cứu trước các văn bản hướng dẫn lựa chọn SGK.

Từng bước khắc phục khó khăn

Theo thầy Nguyễn Văn Khôi, một trong những khó khăn trong triển khai SGK mới ở địa phương là quy mô dân số gia tăng do đô thị hóa, việc xây dựng các phòng chức năng chưa theo kịp. Nhà trường còn thiếu 1 số phòng chuyên biệt để tổ chức dạy môn Thể dục, Nghệ thuật, tổ chức giáo dục hoạt động trải nghiệm.

“Trường đông HS, tỷ lệ trung bình 40,1 HS/lớp, không gian lớp học chật hẹp nên khó khăn trong tổ chức các hoạt động dạy học theo hướng thực hành, trải nghiệm gắn kết bài học với thực tế cuộc sống, thực tế ngay tại lớp... Nhận thức của một số cha mẹ HS hạn chế, còn chú trọng nhiều vào kiến thức, chưa biết hoặc chưa quan tâm phối hợp giáo dục HS gắn kết bài học trên lớp, ở trường với thực tế gia đình và cộng đồng. Hơn nữa, việc bố trí đủ 1,5 GV/lớp với tất cả các lớp học 2 buổi/ngày khó khả thi do thiếu biên chế” - thầy Khôi nêu.

Để giải quyết những khó khăn trước mắt, theo thầy Khôi, nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình 5 năm học. Hằng năm sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện theo lớp; Trường sẽ tham mưu với thành phố, UBND xã đầu tư xây mới các phòng học để giãn số HS/lớp, bố trí đủ 1,5 GV/lớp để dạy 2 buổi/ngày ở tất cả các lớp; Thống kê, đề xuất danh mục thiết bị đồ dùng dạy học để thành phố mua sắm trang bị đủ và kịp thời; Chỉnh trang cơ sở vật chất trường lớp, ưu tiên phòng học, thiết bị đầy đủ cho lớp 1...

Còn thầy Lê Đình Phong cho biết: Khó khăn trường đang đối diện là việc chuẩn bị các đồ dùng, phương tiện dạy học phù hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới ngoài các đồ dùng thiết bị dạy học tối thiểu.

“Với điểm lẻ ít lớp, việc sử dụng thiết bị dùng chung sẽ khó khăn. Bên cạnh đó, thói quen dạy học theo hướng tiếp cận nội dung, sự thiếu linh hoạt của một số GV có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS theo chương trình mới. Thêm nữa, vẫn có sự băn khoăn của cha mẹ HS về hoạt động hỗ trợ học tập cho con em khi thực hiện Chương trình, SGK mới” - thầy Phong nhận xét.